Người thổi hồn vào gốm: bình đựng sản phẩm thanh long đỏ lên men
Người thổi hồn vào gốm: Bình đựng thanh long đỏ lên men
Gốm Biên Hòa, xưa vốn có một thời kỳ vàng son “trên bến dưới thuyền”, khi mà gốm có mặt ở hầu hết công trình tại khu vực đền thuộc khu di tích lịch sử trong và ngoài khu vực Đông Nam bộ. Thầy giáo trẻ Đinh Công Việt Khôi (Trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) đã tích cực đưa gốm Biên Hòa qua các sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ du lịch như : rượu bưởi, thanh long đỏ lên men…
Gốm Biên Hòa, xưa vốn có một thời kỳ vàng son “trên bến dưới thuyền”, khi mà gốm có mặt ở hầu hết công trình tại khu vực đền thuộc khu di tích lịch sử trong và ngoài khu vực Đông Nam bộ. Thế nhưng những câu chuyện về làng gốm này ít ai còn nhớ, mà có chăng là chỉ còn qua những câu chuyện kể. Trước sự mai một của nghề gốm truyền thống, bằng nhiều cách thầy giáo trẻ Đinh Công Việt Khôi (Trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) đã tích cực đưa gốm đến gần với người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên và “hồi sinh” gốm Biên Hòa qua các sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ du lịch. Cụ thể nhất là thầy Khôi đã sáng tạo ra những chiếc bình nước ép rất hữu dụng trong cuộc sống như : rượu bưởi, thanh long đỏ lên men…
Sản phẩm gốm bình thanh long đỏ lên men mỹ thuật, đời sống, quà tặng…
Chúng tôi gặp Đinh Công Việt Khôi (42 tuổi) trong tour khảo sát du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu do Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Sau khi thưởng thức “đặc sản” Thanh Long đỏ lên men của Biên Hòa - Đồng Nai giới thiệu đến du khách, ai nấy đều rất tò mò về “bình thanh long đỏ lên men” độc đáo này. Vỏ bình do anh Việt Khôi thiết kế, tạo nên từ sản phẩm gốm Biên Hòa, được trang trí và tạo màu men vô cùng bắt mắt nhằm lưu giữ lại những tinh hoa hồn cốt dân tộc.
Đinh Công Việt Khôi vào chuyện rất tự nhiên. Anh bảo, bản thân đã công tác tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai hơn 15 năm. Trước khi vào trường, có thời gian dài anh mày mò tự học và làm gốm tại xí nghiệp gốm Đồng Nai (phường Tam Hiệp, nay đã giải thể). Cũng bởi rất thích tạo mẫu và trang trí nên anh thường xuyên sáng tác những mẫu mã gốm mới vừa phục vụ công tác dạy học vừa tham gia các cuộc thi, triển lãm.
Việt Khôi cũng như nhiều người con ở Biên Hòa - Đồng Nai sinh ra từ làng, cũng đã từng làm nhiều việc khác nhau và rồi lại quay lại gắn bó với gốm truyền thống với một suy nghĩ rất trẻ trung rằng, nghề xưa đang đứng trước nguy cơ mai một cần được gìn giữ và phát huy. Anh thật thà chia sẻ rằng, bản thân chỉ thực sự được sống trọn với đam mê của mình khi công tác tại trường, truyền lửa đến các bạn trẻ yêu gốm. Bên cạnh đó, anh cũng tìm cho mình một hướng đi mới hơn khi chế tác gốm truyền thống với những mẫu mã, kiểu dáng đa dạng hơn, để gốm không chỉ là những vật dụng sinh hoạt mà còn là những sản phẩm lưu niệm độc đáo phục vụ du lịch, trong đó điển hình nhất là bình thanh long đỏ lên men.
Trước sản phẩm bình Thanh Long đỏ lên men, Đinh Công Việt Khôi đã thiết kế bình rượu bưởi Năm Huệ. Anh cũng tham gia nhiều cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh, từng đoạt các giải nhì, khuyến khích (năm 2014, 2015…), có tác phẩm trang trí đoạt giải của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch hay tham gia triển lãm “Đất nghĩ” tại TP. Hồ Chí Minh 2016 bằng họa tiết mới trong đề tài mang tính thời đại là “kết nối”… Với bàn tay tài hoa, một sức sáng tạo bền bỉ và tấm lòng luôn hướng về cội nguồn, anh đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa độc đáo, phù hợp với đặc trưng của từng “đặc sản” ở Đồng Nai. Qua đó, đưa sản phẩm gốm đến gần hơn với công chúng qua các bình mỹ thuật như thanh long đỏ lên men, rượu bưởi.
Đưa gốm đến gần người trẻ
Những năm gần đây, nhất là vào các dịp hè, người ta thường thấy Đinh Công Việt Khôi thường xuyên tham gia hoạt động giới thiệu, dạy cho các học sinh, sinh viên trải nghiệm về gốm tại khoa gốm của Trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Anh bảo rằng, hè là dịp có rất đông học sinh ở các trường tiểu học và trung học trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm gốm. Ngoài ra, ở trường còn mở các lớp dạy học làm gốm (1 tháng, 3 tháng) cho thanh thiếu nhi và những người yêu thích gốm.
Tuy nhiên, theo anh Khôi mặc dù các khóa hè có đông các em yêu thích và tìm hiểu về gốm nhưng trong tuyển sinh của khoa gốm tại trường vài năm trở lại đây rất ít người đăng ký theo học. “Nếu như những năm 2003-2007, số lượng học sinh theo học chuyên ngành gốm (hệ trung cấp) khá đông (gần 20 em/năm) thì gần đây, chỉ có khoảng 4 đến 5 em theo học. Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở phải làm gì và làm thế nào để đưa gốm gần hơn với những người trẻ, để gìn giữ và phát huy gốm truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai”, anh Khôi bộc bạch.
Chính những trăn trở đó đã thôi thúc Đinh Công Việt Khôi tâm huyết và gắn bó hơn với công tác truyền dạy gốm cho các thế hệ trẻ. Bên lề câu chuyện của mình, Việt Khôi nói, bản thân anh tin vào nhân duyên cuộc đời này. Nhờ cái duyên ấy, anh đã nỗ lực sống trọn và đi tận với đam mê. Vậy nên, anh chẳng mong gì hơn ngoài việc cố gắng hết mình để truyền lửa cho người trẻ và “thổi tình yêu vào đất” để mang đến những sản phẩm mới hấp dẫn. Anh tin rằng sẽ có một ngày gốm Biên Hòa sẽ lấy lại được “vị thế” gốm xưa và lan tỏa rộng khắp.
Nói về những dự định sắp tới, Đinh Công Việt Khôi cho biết, trước mắt sẽ tập trung đào tạo đội ngũ những người trẻ yêu gốm, “kế tục” nghề gốm truyền thống. Bản thân anh cũng đang ấp ủ dự định mở xưởng gốm tại nhà. Khi xưởng gốm đi vào hoạt động, anh sẽ mở thêm các lớp học làm gốm, dạy thiết kế và tạo mẫu mã trang trí hoa văn để tinh hoa và giá trị văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai được gìn giữ và phát huy.
My Ny
GỌI NGAY: 0848140977 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN SẢN PHẨM PHÙ HỢP
Xem thêm